Đặc điểm cây Hải đường đỏ
Cây bụi hay gỗ nhỏ, cao 3 – 4 m, cành non màu nâu nhạt, nhẵn, cành già màu nâu sẫm, nhẵn. Lá có cuống ngắn, dài 5 – 7 mm, không lông, phiến lá to thuôn hay hình bầu dục, dài 11 – 25 cm, rộng 5,5 – 12 cm, dai, dày, màu nâu đậm ở mặt trên, xanh nhạt ở mặt dưới; gốc lá hình tim có tai ôm lấy cành; đỉnh lá nhọn ngắn, mép lá có răng cưa nhọn; gân chính nổi rõ, gân bên có 10 – 13 cặp, không có lông. Hoa to màu đỏ, đường kính 4,0 – 9 cm, đơn độc hoặc nhiều hoa ở đầu cành hay nách lá, cuống hoa mập dài 1 – 1,5 cm, nhẵn. Lá bắc gồm 6 – 7 cái nhẵn. Đài 5, mặt trong có lông mịn, mặt ngoài nhẵn. Cánh hoa gồm 8 – 12 cánh, dài 3 – 4 cm, rộng 2-3 cm, hình trứng rộng, đỉnh tròn. Bộ nhị nhiều, nhị ngoài dính nhau 1/2 chiều dài chỉ nhị tạo thành ống, các nhị trong rời nhau có lông mịn ở phần gốc. Bộ nhuỵ gồm 3 lá noãn hợp tạo thành bầu 3 ô, không lông, bầu cao khoảng 3 mm, đường kính 5mm, 3 vòi nhuỵ rời, dài 2,2 – 2,5cm không lông. Quả hình cầu, nhẵn, khía thành 3 rãnh, 3 ô, mỗi ô chứa 3-4 hạt. Hạt hình nêm, nhẵn, mầu nâu sẫm.
>> Trà hoa vàng Hakoda – Camellia hakodae Ninh
>> Trà hoa vàng pêtêlô (Camellia petelotii (Merr.) Sealy)

Điều kiện sinh thái: Mọc rải rác trong rừng thường xanh từ độ cao 300 – 500m
Mùa ra hoa: đầu mùa đông tới cuối xuân.
Địa điểm phân bố: Ngoài VQG Tam Đảo, Hải đường được trồng hầu như khắp Việt Nam.
Theo Gao, J.Y. chuyên gia trà Trung Quốc, khoảng 100 cá thể của loài này mọc hoang dại ở gần một ngôi đền nhỏ linh thiêng nằm ở chân dãy núi Tam Đảo. Năm 1993 Trần Ninh đã thu được tiêu bản cây Hải Đường mọc hoang dại ở ven suối gần đền Cô. Có thể ngôi đền thiêng mà Gao nhắc tới là đền Cô. Hiện nay các vùng đệm phía tây nam của vườn, nhân dân địa phương đã xem Hải Đường như loài cây cảnh và trồng trong các vườn rừng. Hải Đường đã đưa lại một nguồn lợi kinh tế đáng kể. Mấy năm gần đây các nhà lai tạo Nhật Bản đã tiến hành ghép Hải đường với Trà Nhật và đã ghép thành công cho cây lai có hoa đỏ nhạt hơn nhưng chịu được băng tuyết ở các vùng Bắc Nhật Bản. Hiện nay loài lai này được trồng rộng rãi ở các vùng phía Bắc Nhật Bản..
Camellia amplexicaulis
1. Lá; 2. Hoa; 3. Bộ nhụy; 4. Bộ nhị; 5. Nhị; 6. Cánh hoa; 7. Quả